(Hình: Google Search)
Hỏi: Tôi có quen thân với một phụ nữ cùng trạc tuổi với tôi. Chúng tôi đã chung chăn gối nhiều lần, nhưng cô ta bản tính lăng nhăng nay người này mai người khác. Do đó mỗi lần tôi gần cô ta, để phòng bệnh hoạn, tôi dùng bao cao su nhưng cô ta cự tuyệt không cho mang vào.
Sau mỗi lần gần gũi nhau, tôi luôn luôn phập phồng lo sợ, tâm thần bất an mặc dầu sức khoẻ tôi vẫn bình thường.
Xin bác sĩ vui lòng giải đáp thắc mắc sau đây:
Viết thư này là lúc tôi đã đoạn tuyệt với cô ta. Trường hợp tôi không lây nhiễm là vì có máu miễn nhiễm phải không?
Đáp:
Bệnh lây như thế nào?
Virus siđa (HIV) lan truyền rộng rãi nhất qua việc giao hợp với một người đã nhiễm bệnh mà không dùng bao cao su đúng cách. Virus có thể xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc (lớp màng lót mỏng và nhầy) âm đạo, âm hộ, dương vật, hậu môn, miệng. Số lượng virus trong cơ thể người bị nhiễm bệnh càng cao thì nguy cơ truyền bệnh càng cao. Giao hợp không an toàn với người khác phái hay cùng phái đều có thể là con đường dẫn đến siđa (và các bệnh hoa liễu khác).
HIV cũng có thể lan truyền qua việc tiếp xúc với máu của người đã bị nhiễm bệnh. Hiện nay đường lây này xảy ra chính yếu ở những người dùng chung kim hoặc ống chích đã bị dính máu người bệnh, thường nhất là ở những người chích choát xì ke ma tuý. Máu dùng để truyền hiện nay được kiểm soát rất kỹ, và rất an toàn. Việc lây bệnh giữa bệnh nhân và nhân viên y tế do bị kim châm hay qua các dụng cụ y tế dính máu khác cũng rất hiếm gặp.
Đường lây truyền thứ ba là sự truyền HIV từ người mẹ có bệnh sang em bé trong lúc có bầu, khi sanh hoặc qua sữa mẹ. Nếu không được chữa trị, khả năng lây từ mẹ sang con trong lúc sanh và có bầu có thể từ một phần tư tới một phần ba. Tuy nhiên, nếu mẹ và con cùng được điều trị bằng thuốc chống HIV, nguy cơ truyền bệnh cho con sẽ được giảm đi rất đáng kể.
Mặc dù HIV cũng có trong nước miếng (saliva-còn gọi là nước bọt) của người bệnh. Cho tới nay, chưa thấy có trường hợp nào mà bệnh được lây truyền qua nước miếng. Cũng chưa có chứng cớ nào cho thấy bệnh lây truyền qua mồ hôi, nước mắt, nước tiểu hay phân.
Những người trong gia đình, hay sống cùng nhà, hay làm cùng sở, hay học cùng lớp với người bệnh, nếu không có các quan hệ kể trên (giao hợp, đường máu), không sợ bị lây bệnh. Vì bệnh không lây qua các tiếp xúc hàng ngày như dùng chung chén đũa, khăn, giường, hồ bơi, điện thoại, bàn cầu (tiêu), vân vân.
Còn rủi xui bị muỗi hay rệp hút máu người bệnh rồi chích cho mình thì sao? Cũng không sao. Vì HIV không thể tồn tại trong “nước miếng” của mấy con này.
Nói tóm lại, các hành vi nguy hiểm nhất khiến bệnh lan truyền là:
Những người đã bị các bệnh hoa liễu như giang mai, lậu, Chlamydia, vân vân, do đã có sẵn những vết thương ở bộ phận sinh dục, sẽ dễ bị lây HIV hơn khi quan hệ tình dục với người đã bị nhiễm HIV. Một số nghiên cứu cho thấy tuổi càng trẻ, số lượng virus trong cơ thể người bệnh (viral load) càng cao thì nguy cơ bị lây cũng sẽ càng cao.
Làm sao để khỏi bị lây và tránh lây nhiễm cho người khác? Có thuốc ngừa không?
Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc ngừa siđa. Cách duy nhất là tránh các yếu tố nguy cơ như đã kể.
Một số người đã bị nhiễm HIV vẫn không có triệu chứng trong một thời gian khá dài, có khi nhiều năm. Do đó, không thể nào biết chắc “bạn tình” của mình đã có bị nhiễm HIV hay chưa trừ khi người ấy chịu thử máu và không có các hành vi nguy cơ cao như kể trên.
Để tránh bị lây qua đường sinh dục ta phải hoặc là “tu”, không quan hệ tình dục với ai cả, hoặc chung thuỷ với một người không có bệnh (trong hiện tại cũng như tương lai), hoặc dùng các bao cao su latex cho đàn ông và polyurethane cho đàn bà. Nên nhớ là các phương tiện này cũng chỉ bảo vệ được một phần thôi, nhất là bao cao su cho đàn bà. Và ở những người dùng bao cao su đàn ông, nếu muốn “bôi trơn”, chỉ có thể dùng các loại làm từ nước (water-based lubricants) mà thôi; nếu không bao cao su sẽ bị mất khả năng bảo vệ.
Các thuốc diệt tinh trùng (spermicides) có thể diệt được một số HIV nhưng phải dùng kết hợp với bao cao su để tăng hiệu quả phòng lây lan.
Nếu người bị bệnh là phụ nữ đã có bầu, dùng thuốc chống HIV trong lúc mang thai, khi sanh và cũng dùng cho em bé trong sáu tuần đầu sau khi sanh cũng giúp giảm tỉ lệ lây từ mẹ sang con một cách đáng kể. Có nghiên cứu cho thấy rằng dùng thuốc cả ở mẹ và con, kết hợp với sanh mổ, có thể giảm tỉ lệ lây lan từ mẹ sang con từ 25 phần trăm xuống chỉ còn một phần trăm.
Thân mến,
(lần sau: các chọn và dùng bao cao su, bệnh diễn tiến ra sao, tại sao có người bị sáu bảy năm vẫn không có triệu chứng,…)
Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng
(714) 531-7930
nguyentranhoang@aol.com
Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khoẻ có tính cách tổng quát. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết, của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp.
July 24, 2004